- Bạn cần số liệu thống kê?
- Bạn muốn có tài liệu thống kê?
- Bạn chưa biết tìm ở đâu?
Tin tức hoạt động được cập nhật liên tục tại đây
Điều tra biên soạn hệ số chi phí trung gian và lập bảng cân đối liên ngành (gọi tắt là điều tra IO) là một trong những cuộc điều tra quan trọng của ngành Thống kê. Ngày 09/7/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 1176/QĐ-TCTK về việc điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian. Hiện, ngành Thống kê đang tập trung lực lượng triển khai cuộc điều tra này. Kết quả thu thập thông tin của từng phiếu điều tra sẽ được tổng hợp theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các hệ số và ma trận; từ đó sẽ được tổng hợp để phục vụ lập Bảng IO năm 2019 của Việt Nam.
Mục đích điều tra
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian năm 2021 (viết gọn là Điều tra IO năm 2021) là cuộc điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được ban hành theo Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm mục đích:
Một là, lập Bảng cân đối liên ngành (viết gọn là Bảng IO) năm 2019 của Việt Nam theo 178 ngành sản phẩm IO;
Hai là, biên soạn hệ số chi phí trung gian và các hệ số tài khoản quốc gia theo ngành kinh tế cấp 1, cấp 2 cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
Ba là, phân tích, đánh giá kết quả sản xuất chi tiết theo 178 ngành sản phẩm IO và đánh giá sự thay đổi cơ cấu chi phí sản xuất, tích luỹ, tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu và các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác;
Bốn là, tính các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê ASEAN, chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam (V-SDG); xây dựng các mô hình phục vụ cho công tác phân tích kinh tế vĩ mô.
Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra
Phạm vi điều tra
a) Điều tra chọn mẫu trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Điều tra thu thập thông tin 178 ngành sản phẩm của Bảng IO.
Đối tượng điều tra: Là các tổ chức, cá nhân chứa đựng thông tin cần thu thập. Trong cuộc điều tra này, đối tượng điều tra bao gồm: Thông tin định danh, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh (viết gọn là SXKD) và chi phí SXKD của các tổ chức; thông tin tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư; thông tin về giá trị thuế xuất, nhập khẩu; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa; giá trị thu thuế, phí và lệ phí và chi ngân sách nhà nước; dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay và số dư huy động vốn; giá trị sản xuất của các sản phẩm theo 178 ngành sản phẩm IO được chọn.
Đơn vị điều tra, bao gồm:
- Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
- Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (viết gọn là cơ quan hành chính) và đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị dự toán cấp II, cấp III hoặc cấp IV); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; hiệp hội.
- Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hợp tác xã hạch toán kinh tế độc lập (viết gọn là doanh nghiệp) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012 và các Luật chuyên ngành đã đi vào hoạt động SXKD trước thời điểm 01/01/2020 và hiện đang hoạt động SXKD.
- Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (viết gọn là cơ sở SXKD cá thể).
- Hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
- Tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình.
- Hộ dân cư tiêu dùng cuối cùng (viết gọn là hộ dân cư).
Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra
Điều tra IO năm 2021 là điều tra chọn mẫu. Thời điểm điều tra là ngày 01/11/2021. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn được thực hiện trong 40 ngày, bắt đầu từ ngày 01/11/2021 và kết thúc vào ngày 10/12/2021.
Thời kỳ thu thập thông tin, cụ thể như sau:
a) Số liệu thu thập tại thời điểm 01/01/2019 và 31/12/2019 đối với các chỉ tiêu: Lao động, giá trị tài sản cố định, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho, giá trị tồn kho hàng hóa áp dụng với các đơn vị điều tra thu thập thông tin thời kỳ năm 2019.
b) Số liệu thu thập theo thời kỳ:
- Số liệu chính thức của cả năm 2019 đối với các chỉ tiêu về kết quả SXKD, chi phí, hao mòn/khấu hao tài sản cố định thuế, giá trị xuất, nhập khẩu áp dụng đối với các đơn vị điều tra là: Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hiệp hội; doanh nghiệp.
- Thông tin về tình hình sản xuất năm 2020 áp dụng đối với các đơn vị điều tra là: Ngân hàng Nhà nước; cơ sở SXKD cá thể; hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; hộ dân cư và tổ chức vô vị lợi phục vụ hộ gia đình.
Phương pháp điều tra
Điều tra IO năm 2021 áp dụng kết hợp phương pháp thu thập thông tin gián tiếp và trực tiếp:
- Phiếu điều tra trực tuyến (Webform) áp dụng đối với các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội, bao gồm Phiếu số 01/IO-DN, Phiếu số 02/IO-DN và Phiếu số 03/IO-HCSN. Đơn vị điều tra tự kê khai thông tin trên Trang thông tin điện tử cùng với sự hỗ trợ trực tiếp của điều tra viên thống kê (viết gọn là ĐTV). Đơn vị được cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập và điền thông tin vào phiếu trực tuyến.
- 04 loại phiếu điều tra thực hiện theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp: Sử dụng kết hợp cả hai hình thức phiếu điện tử và phiếu giấy. ĐTV trực tiếp đến đơn vị điều tra để phỏng vấn và ghi thông tin vào phiếu điều tra.
+ Phiếu điều tra điện tử (CAPI) áp dụng đối với Phiếu thu thập thông tin về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư (Phiếu số 07/IO-TDCC). ĐTV sử dụng thiết bị điện tử thông minh hoặc điện thoại di động, phỏng vấn chủ hộ và nhập thông tin.
+ Phiếu điều tra giấy áp dụng đối với cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (Phiếu số 04/IO-CT); hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (Phiếu số 05/IO-NLTS); đơn vị vô vị lợi (Phiếu số 06/IO-VVL). Thông tin thu được từ các phiếu điều tra giấy cần được tiến hành làm sạch và được thực hiện nhập tin song song cùng với quá trình thu thập thông tin.
Nội dung, phiếu điều tra
Nội dung điều tra
Điều tra IO năm 2021 thu thập các thông tin sau:
- Đối với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước: Thông tin về thu chi ngân sách, thuế sản xuất, trợ cấp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ; thông tin về dư nợ tín dụng, huy động vốn theo ngành kinh tế, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và tín dụng qua thẻ tín dụng.
- Đối với doanh nghiệp: Thông tin về loại hình, ngành hoạt động SXKD, ngành sản phẩm chính, doanh thu, chi phí sản xuất, chi phí khấu hao tài sản cố định, thu nhập, thuế, thành phẩm tồn kho và sản phẩm dở dang…
- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp: Thông tin về loại hình, ngành sản phẩm chính; các hoạt động thu của đơn vị, các hoạt động chi thường xuyên, tổng giá trị khấu hao/hao mòn tài sản cố định, chi phí cho người lao động, chi trả lãi tiền vay ngân hàng (nếu có), các khoản nộp ngân sách nhà nước, tổng chi phúc lợi xã hội năm 2019…
- Đối với đơn vị hiệp hội, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các cơ sở vô vị lợi khác: Thông tin về loại hình hoạt động, ngành nghề hoạt động, ngành sản phẩm chính của cơ sở; lao động, thu hoạt động và chi hoạt động thường xuyên của cơ sở năm 2020...
- Đối với cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản; hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Thông tin về loại hình, ngành nghề hoạt động; lao động, doanh thu từ sản phẩm, chi phí cho sản xuất sản phẩm, thu nhập, thuế, thành phẩm tồn kho và sản phẩm dở dang.
- Đối với hộ tiêu dùng sản phẩm vật chất và dịch vụ: Thông tin về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư.
Phiếu điều tra
Điều tra IO năm 2021 sử dụng các loại phiếu điều tra sau để thu thập thông tin đã được đề cập ở trên:
1. Phiếu số 01/IO-DN: Phiếu thu thập thông tin về doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
2. Phiếu số 02/IO-DN: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
3. Phiếu số 03/IO-HCSN: Phiếu thu thập thông tin về đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội.
4. Phiếu số 04/IO-CT: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản.
5. Phiếu số 05/IO-NLTS: Phiếu thu thập thông tin về hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
6. Phiếu số 06/IO-VVL: Phiếu thu thập thông tin về đơn vị vô vị lợi.
7. Phiếu số 07/IO-TDCC: Phiếu thu thập thông tin về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư.
Điều tra IO năm 2021 sử dụng các loại phiếu, biểu để thu thập thông tin từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước:
a) Đối với Bộ Tài chính:
- Phiếu số 01/IO-BTC: Phiếu thu thập thông tin về giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa; thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa (Áp dụng cho Tổng cục Hải quan).
- Phiếu số 02/IO-BTC: Phiếu thu thập thông tin về thu, chi ngân sách nhà nước (Áp dụng cho Bộ Tài chính).
b) Đối với Ngân hàng Nhà nước:
- Biểu số 01/IO-NHNN: Dư nợ tín dụng phân theo ngành kinh tế (Không bao gồm mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).
- Biểu số 02/IO-NHNN: Dư nợ tín dụng qua mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phân theo ngành kinh tế.
- Biểu số 03/IO-NHNN: Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng.
- Biểu số 04/IO-NHNN: Số dư huy động vốn theo ngành kinh tế.
Tổng hợp kết quả
Kết quả thu thập thông tin của từng phiếu điều tra sẽ được tổng hợp theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các hệ số và ma trận. Cụ thể:
- Tổng hợp và tính toán Giá trị sản xuất (theo phương pháp doanh thu và chi phí) theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp và tính toán chi phí trung gian và các cấu phần của chi phí trung gian theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp và tính toán giá trị tăng thêm và cấu phần của giá trị tăng thêm theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tính toán các hệ số điều tra mẫu gồm: hệ số chi phí trung gian và các hệ số của cấu phần của chi phí trung gian; hệ số giá trị tăng thêm và các hệ số cấu phần của giá trị tăng thêm.
- Tổng hợp và xử lý số liệu giá trị sản xuất toàn bộ của 63 tỉnh, thành phố theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế; tổng hợp cho 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp số liệu trả lãi tiền vay, phí bảo hiểm, tính toán hệ số trả lãi tiền vay, phí bảo hiểm để phân bổ FISIM.
- Tổng hợp và xây dựng hệ số chi phí trung gian, cấu phần của chi phí trung gian, giá trị tăng thêm và cấu phần của giá trị tăng thêm (số liệu toàn bộ) theo 178 ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế cho cả nước, 6 vùng kinh tế - xã hội, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tổng hợp ma trận giá trị sản xuất, véc tơ xuất khẩu, nhập khẩu, véc tơ thuế.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận nhập khẩu, phí vận tải, phí thương mại, thuế.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận hệ số chi phí trực tiếp.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận cầu cuối cùng.
- Tổng hợp và xây dựng ma trận giá trị tăng thêm.
Kết quả thu thập thông tin về giá trị sản xuất theo ngành kinh tế và thành phần kinh tế theo giá hiện hành trên phạm vi cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ các Vụ Thống kê chuyên ngành thuộc Tổng cục Thống kê sẽ được tổng hợp để phục vụ lập Bảng IO năm 2019 của Việt Nam./.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Với bề dày lịch sử hơn 75 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm thông tin thống kê phù hợp trong cơ sở dữ liệu thống kê chính thống của ngành Thống kê. Đến với chúng tôi bạn sẽ:
- Tiếp cận thông tin thống kê của hai miền Nam Bắc trước và sau năm 1975.
- Tiếp cận hệ thống chỉ tiêu thống kê phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
- Tiếp cận nguồn thông tin quý báu từ kết quả các cuộc Tổng điều tra, Điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện.
- Và nhiều thông tin thống kê cần thiết khác.
Hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại: + Tư vấn & Dịch vụ thống kê (024.37332997)
+ Thư viện Thống kê (024.38464349)
Email: sdc@gso.gov.vn