- Bạn cần số liệu thống kê?
- Bạn muốn có tài liệu thống kê?
- Bạn chưa biết tìm ở đâu?
Tin tức hoạt động được cập nhật liên tục tại đây
Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh qua từng năm trong giai đoạn 2016-2019, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 2,3% so với năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 làm đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn. Hệ lụy của đại dịch đã kéo theo sự suy giảm tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp và sự sụt giảm mạnh mẽ lao động làm việc trong các doanh nghiệp. So với cùng thời điểm năm 2016, số lượng doanh nghiệp tăng 35,3%, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 7,9%/năm. Nếu tính riêng giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân mỗi năm đạt 9,8%/ năm, với tốc độ tăng các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 11,0%; 9,0% và 9,5%.
Số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI tăng, ngược lại doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm. Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung nhiều doanh nghiệp nhất, với 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35,0% so với năm 2016.
Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2% tổng số doanh nghiệp, đây là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực, tăng 58,6% so với thời điểm 31/12/2016. Do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, tính đến 31/12/2020, tổng số doanh nghiệp nhà nước chỉ còn gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp, giảm 25,1% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng bình quân 7,8%/năm (42,7 nghìn doanh nghiệp/năm). Khu vực doanh nghiệp FDI mỗi năm tăng bình quân 12,2%/năm (2,1 nghìn doanh nghiệp/năm). Tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước diễn ra tương đối chậm, với tốc độ giảm bình quân mỗi năm là 7,0%, tương đương với giảm 167 doanh nghiệp mỗi năm.
Theo khu vực kinh tế, số lượng doanh nghiệp dịch vụ tăng cao nhất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, điều này thể hiện trong việc giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong khi tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ luôn có số lượng lớn nhất. Tại thời điểm 31/12/2020, số doanh nghiệp dịch vụ đạt 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 31,4% so với cùng thời điểm năm 2016.
Khu vực công nghiệp, xây dựng luôn đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp đạt 211,5 nghìn doanh nghiệp năm 2020, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 0,9% so với năm 2019 và tăng 44,5% so với năm 2016.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp năm 2020 đạt 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 0,9%, giảm 13,6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tăng tới 45,2% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp đạt 7,1%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 8,5% của giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm lần lượt là 9,8%/năm và 9,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 3,8%/năm và 7,2%/năm của giai đoạn 2011-2015. Nếu chỉ xét riêng giai đoạn 2016-2019, hai khu vực này còn đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn nữa, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt 18,9% và 12,7%.
Theo vùng kinh tế, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện rõ vai trò là hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, luôn đứng đầu về số lượng doanh nghiệp. Trong đó, vùng Đông Nam bộ luôn là đầu tàu của nền kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, vùng này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 280,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm tới 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 0,7% so với năm 2019 và tăng 32% so với năm 2016. Với tỷ trọng doanh nghiệp chiếm 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,7 nghìn doanh nghiệp năm 2020, tăng 2,9% so với năm 2019 và tăng 36,7% so với năm 2016. Năm 2020, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,1%, tăng 39,7% so với năm 2016; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 7,4%, tăng 36,1% so với năm 2016; Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 28,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 4,1%, tăng 43,2% so với năm 2016; Vùng Tây Nguyên có 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%, tăng 38,1% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng bình quân số lượng doanh nghiệp mỗi năm của các vùng đều đạt trên 7%. Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 9,4%/năm; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tăng 8,7%/năm; vùng Tây Nguyên tăng 8,4%/năm; vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 8,1%/năm; vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 8%/năm; vùng Đông Nam bộ tăng 7,2%/năm.
Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng nhanh qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, có xu hướng giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 không ngừng tăng lên đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Giai đoạn này đã thu hút được thêm 2,3 triệu lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp lên 15,2 triệu người, với tốc độ tăng bình quân 2,6%/năm. Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã phủ một màu sắc u ám xuống toàn bộ nền kinh tế, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, xu hướng sụt giảm lao động diễn ra, số lượng lao động giảm xuống còn 14,7 triệu lao động, giảm 3,1% so với năm 2019, làm giảm tốc độ tăng bình quân năm của cả giai đoạn 2016-2020 xuống còn 1,2%/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp cho thấy một thực tại là các doanh nghiệp có số lao động bình quân ngày càng giảm, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng nhanh hơn so với số lượng các doanh nghiệp vừa và lớn.
Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI có xu hướng tăng, ngược lại lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm.
Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút hơn 1 triệu lao động, chiếm 6,9% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 8,9% so với năm 2019 và giảm 21,5% so với năm 2016.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 8,6 triệu lao động, chiếm 58,4% trong tổng số lao động khu vực doanh nghiệp; giảm 5,5% so với năm 2019 và giảm 0,01% so với năm 2016.
Trong khi đó, trái ngược với 2 khu vực trên, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn đang cho thấy những tín hiệu tích cực, khi thu hút hơn 5,1 triệu lao động và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số việc làm tạo ra tại khu vực doanh nghiệp với tỷ trọng 34,7%, tăng 2,6% so với năm 2019 và tăng 22,7% so với năm 2016.
Bình quân giai đoạn 2016-2020, khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút bình quân 1,1 triệu lao động mỗi năm, với tốc độ giảm bình quân 5,5%/năm. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mỗi năm thu hút bình quân 8,8 triệu lao động, có xu hướng tăng đều qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, nhưng do giảm mạnh vào năm 2020 đã khiến cho giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 0,003%/năm. Khu vực doanh nghiệp FDI mỗi năm thu hút bình quân 4,7 triệu lao động, tăng đều qua các năm trong cả giai đoạn 2016-2020 với tốc độ tăng bình quân 5,2%/năm.
Theo ngành kinh tế, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lao động cả nước.
Theo ngành kinh tế, năm 2020, mặc dù khu vực công nghiệp và xây dựng có số doanh nghiệp chiếm 30,9% tổng số doanh nghiệp cả nước, lại đang có xu hướng giảm lao động do ảnh hưởng từ đại dịch, giảm 3,1% so với năm 2019, nhưng vẫn là khu vực thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động, chiếm 63,4% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp. Khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp lớn nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhưng thu hút số lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng với 5,1 triệu lao động, chiếm 34,9% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, giảm 3,5% so với năm 2019. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ thu hút được 253 nghìn lao động, chiếm 1,7% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2019.
Giai đoạn 2016-2020, khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút bình quân 9,3 triệu lao động mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 0,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 4,7% của giai đoạn 2011-2015. Khu vực dịch vụ thu hút được thêm nhiều lao động qua từng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,4%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 4%/năm của giai đoạn trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 0,2%/năm, thu hút bình quân 253,5 nghìn lao động/năm.
Theo vùng kinh tế, số lượng lao động tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung chủ yếu số lao động của cả nước. Tại thời điểm 31/12/2020, vùng Đông Nam bộ thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm tới 36,6% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cả nước, tăng 1,2% so với năm 2016. Với tỷ trọng lao động chiếm 33,4%, thu hút 4,9 triệu lao động, vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ 2 cả nước, tăng 7,5% so với năm 2016. Năm 2020, vùng BắcTrungbộvà DuyênhảimiềnTrungthuhút 1,7 triệulaođộng, chiếm 11,4%, tăng 2,3% sovới năm 2016; vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 1,2 triệu lao động, chiếm 8,1%, tăng 8,2% so với năm 2016; vùng Trung du và miền núi phía Bắc thu hút 943,2 nghìn lao động, chiếm 6,4%, tăng 15,2% so với năm 2016; Vùng Tây Nguyên thu hút 228,8 nghìn lao động, chiếm 1,6%, giảm 4,9% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng bình quân số lao động mỗi năm của các vùng tương đối thấp, cụ thể: Vùng có tốc độ tăng bình quân số lao động hàng năm cao nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 3,6%/năm; tiếp theo là: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 2,0%/năm; vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 1,8%/năm; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tăng 0,6%/năm; Vùng Đông Nam bộ tăng 0,3%/năm. Chỉ có duy nhất vùng Tây Nguyên có số lao động giảm dần qua các năm, giảm bình quân 1,2%/năm.
Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nhanh hơn so với tốc độ tăng về số lượng lao động đã dẫn đến sự thay đổi theo hướng giảm dần quy mô bình quân của doanh nghiệp theo lao động.
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nhanh hơn so với tốc độ tăng về số lượng lao động đã dẫn đến sự thay đổi theo hướng giảm dần quy mô của doanh nghiệp theo lao động. Lao động bình quân trong doanh nghiệp giảm đều qua các năm, từ 28 lao động bình quân một doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 21 lao động năm 2020. Bình quân giai đoạn 2016-2020, quy mô doanh nghiệp đang dần bị thu hẹp lại với số lao động bình quân mỗi doanh nghiệp là 24 người, giảm 21,6% so với bình quân giai đoạn 2011-2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô lao động bình quân tương đương với quy mô của doanh nghiệp nhỏ, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI có quy mô lao động bình quân tương đương với quy mô của doanh nghiệp lớn, nếu xét theo tiêu chí lao động.
Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, quy mô lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, với 506 lao động/doanh nghiệp; tiếp theo là khu vực doanh nghiệp FDI, với 229 lao động/doanh nghiệp; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 13 lao động/doanh nghiệp. Quy mô lao động của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp qua các năm trong giai đoạn 2016-2020. Quy mô lao động bình quân cả nước thấp chủ yếu do tác động của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khu vực này có quy mô lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 15 lao động/doanh nghiệp, trong khi đây là khu vực có số doanh nghiệp và số lao động chiếm đa số trong toàn bộ doanh nghiệp và hầu hết các doanh nghiệp thuộc khu vực này là siêu nhỏ và nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ của khu vực này chiếm tới 99% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ cả nước. Ngược lại, lao động bình quân một doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI ở mức khá cao, với quy mô bình quân giai đoạn 2016-2020 của hai khu vực này lần lượt là 498 và 266 lao động bình quân một doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp và xây dựng có quy mô lao động bình quân doanh nghiệp lớn nhất.
Theo ngành kinh tế, quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp của cả ba khu vực đều có xu hướng giảm nhẹ qua từng năm. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng là khu vực có quy mô lao động bình quân cao nhất với 44 lao động/doanh nghiệp năm 2020, tiếp theo là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản với 39 lao động/doanh nghiệp, thấp nhất là ngành dịch vụ với 11 lao động/doanh nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, cả ba khu vực kinh tế đều có quy mô lao động bình quân giảm so với giai đoạn 2011-2016. Cụ thể, ngành công nghiệp và xây dựng có quy mô lao động bình quân giai đoạn đạt 51 lao động/ doanh nghiệp, giảm 21,8%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô lao động bình quân giai đoạn đạt 41 lao động/doanh nghiệp, giảm 42,8%; thấp nhất là khu vực dịch vụ với quy mô lao động bình quân đạt 12 lao động/doanh nghiệp, giảm 17,1%.
Xu hướng thu hẹp quy mô lao động bình quân diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế.
Tại thời điểm 31/12/2020, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có quy mô lao động bình quân lớn nhất cả nước qua các năm, với quy mô lao động bình quân đạt 33,6 lao động/doanh nghiệp. Đây là khu vực có nhiều doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong ngành khai thác quặng, sử dụng số lượng lớn lao động hoạt động trong các hầm, mỏ, trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ tại khu vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 23,4 lao động/doanh nghiệp; vùng Đồng bằng sông Hồng với 22,7 lao động/doanh nghiệp; vùng Đông Nam bộ với 19,1 lao động/doanh nghiệp; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 18,8 lao động/doanh nghiệp; thấp nhất là vùng Tây Nguyên với 12,8 lao động/doanh nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, xu hướng thu hẹp quy mô lao động bình quân diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế, quy mô lao động bình quân các vùng giảm đều qua các năm, cụ thể: Vùng Tây Nguyên có quy mô lao động bình quân giai đoạn đạt 15,2 lao động/doanh nghiệp, giảm 39,1% so với giai đoạn 2011-2015; tiếp theo là vùng Đông Nam bộ với 21,6 lao động/doanh nghiệp, giảm 25,6%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 21,7 lao động/doanh nghiệp, giảm 22,3%; vùng Đồng bằng sông Hồng với 25,3 lao động/doanh nghiệp, giảm 18,5%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 26,2 lao động/doanh nghiệp, giảm 14,0%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 36,5 lao động/doanh nghiệp, giảm 13,9%.
Số lượng hợp tác xã năm 2020 vẫn giữ nhịp tăng trưởng và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm tăng 3,5%).
Tính đến 31/12/2020, tổng số HTX đang hoạt động SXKD trên phạm vi cả nước là 15,3 nghìn HTX, tăng 6,2% so với năm trước và 17,5% so với thời điểm 31/12/2016. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số HTX nhiều nhất với 7,8 nghìn HTX, chiếm 50,7% tổng số HTX, tăng 17,2% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực dịch vụ có 4,7 nghìn HTX, chiếm 30,8%, tăng 21,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng có 2,8 nghìn HTX, chiếm 18,5%, tăng 11,3% so với thời điểm 31/12/2016.
Lao động làm việc trong hợp tác xã năm 2020 giảm sâu hơn mức giảm bình quân cả giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm giảm 4,4%).
Tại thời điểm 31/12/2020, trên cả nước có tổng số 169.615 lao động đang làm việc trong các HTX, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 15,6% so với cùng thời điểm năm 2016. Trong đó, lao động trong cả 3 khu vực kinh tế đều giảm, cụ thể: các HTX hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút nhiều lao động nhất với 75.617 người, chiếm 44,6% lao động của toàn bộ khu vực HTX, giảm 12,1% so với năm 2016; khu vực dịch vụ thu hút 57.814 lao động, chiếm 34,1%, giảm 15,2% so với năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 36.184 lao động chiếm 21,3%, giảm 22,6% so với năm 2016.
Giai đoạn 2016-2020, số lượng HTX tăng trưởng ổn định, lao động làm việc trong HTX giảm dần, quy mô HTX đang dần thu hẹp.
Trong giai đoạn 2016-2020, số HTX tăng tương đối ổn định, bình quân mỗi năm tăng 3,5%, tuy nhiên, số lao động trong HTX giảm dần, bình quân mỗi năm giảm 4,4%. Quy mô HTX đang dần bị thu hẹp, số lao động bình quân mỗi HTX giai đoạn 2016 - 2020 là 13,2 người/HTX, giảm 21,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
HTX nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất về số HTX, số lao động nhưng quy mô HTX nhỏ nhất. Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy chiếm tỷ lệ thấp nhất về số HTX, số lao động nhưng lại có quy mô HTX lớn nhất. Cụ thể, HTX khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ số lượng HTX bình quân giai đoạn 2011-2015 chiếm 52,9% toàn bộ khu vực HTX, giảm xuống 50,8% trong giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ thu hút lao động tăng nhẹ từ 42,9% lên 43,0%. HTX khu vực công nghiệp và xây dựng có các tỷ lệ tương ứng qua hai giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 biến động như sau: Số HTX giảm từ 22,2% xuống 18,7%; số lao động giảm từ 26,1% xuống 22,7%. HTX khu vực dịch vụ có tỷ trọng số lượng HTX bình quân giai đoạn 2011-2015 chiếm 24,8% toàn bộ khu vực HTX, tăng lên 30,5% trong giai đoạn 2016-2020; tương ứng tỷ trọng thu hút lao động tăng từ 30,9% lên 34,3%.
Vùng Đồng bằng sông Hồng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất về số HTX và số lao động trong cả giai đoạn 2016- 2020, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng HTX và thu hút lao động làm việc trong HTX đứng đầu cả nước. Giai đoạn 2016-2020, vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 32,2% số HTX và 34,4% số lao động cả nước. Trong đó, Hà Nội là địa phương đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về số HTX. Quy mô lao động của HTX, chiếm 9,4% số HTX cả nước; 9,5% số lao động làm việc trong HTX cả nước. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ trọng số HTX và thu hút lực lượng lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 lớn thứ hai của cả nước. Các chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2016-2020 của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung như sau: Số HTX chiếm 27,8%; số lao động chiếm 23,0%. Vùng Đông Nam bộ có các chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2016-2020 như sau: Số HTX chiếm 7,1%; số lao động chiếm 13,0%. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu vùng Đông Nam bộ và cả nước về số lao động. Tỷ lệ các chỉ tiêu về HTX của Thành phố Hồ Chí Minh so với vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2016-2020 như sau: Số HTX chiếm 44,2%; lao động chiếm 62,1%.
consosukien.vn
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Với bề dày lịch sử hơn 75 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm thông tin thống kê phù hợp trong cơ sở dữ liệu thống kê chính thống của ngành Thống kê. Đến với chúng tôi bạn sẽ:
- Tiếp cận thông tin thống kê của hai miền Nam Bắc trước và sau năm 1975.
- Tiếp cận hệ thống chỉ tiêu thống kê phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
- Tiếp cận nguồn thông tin quý báu từ kết quả các cuộc Tổng điều tra, Điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện.
- Và nhiều thông tin thống kê cần thiết khác.
Hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại: + Tư vấn & Dịch vụ thống kê (024.37332997)
+ Thư viện Thống kê (024.38464349)
Email: sdc@gso.gov.vn