- Bạn cần số liệu thống kê?
- Bạn muốn có tài liệu thống kê?
- Bạn chưa biết tìm ở đâu?
Tin tức hoạt động được cập nhật liên tục tại đây
Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (viết gọn là Đề án NOE), Tổng cục Thống kê được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ tiến hành đo lường hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế.
Ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (viết gọn là Đề án NOE), Tổng cục Thống kê được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ tiến hành đo lường hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế. Để đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, việc lựa chọn phương pháp đo lường, xây dựng Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu thống kê đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE là một trong những công việc cần thiết và quan trọng của Đề án. Mục đích xây dựng và ban hành Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu thống kê đầu vào đưa ra một danh sách các hoạt động và các chỉ tiêu đo lường các hoạt động kinh tế chưa được quan sát được phân chia theo 5 thành tố, bao gồm (1) hoạt động kinh tế ngầm; (2) hoạt động kinh tế bất hợp pháp; (3) hoạt động kinh tế phi chính thức; (4) hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; (5) Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Về mặt thực tiễn, mục đích ban hành Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát nhằm đo lường đầy đủ phạm vi của nền kinh tế, từ đó phản ánh đúng nhất sự vận động và phát triển của toàn nền kinh tế, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách điều hành sát thực nhất. Việc ban hành danh mục hoạt động và hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào không chỉ giúp đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam mà còn phục vụ mục đích phân tích, đánh giá tốt hơn về quy mô và ảnh hưởng của khu vực này tới toàn nền kinh tế Việt Nam. Vai trò và ý nghĩa ban hành Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu NOE Các hoạt động kinh tế chưa được quan sát được xây dựng theo các phân nhóm theo 5 thành tố, trong đó, mỗi nhóm chỉ tiêu có các đặc điểm tương tự hoặc có liên quan với nhau, chẳng hạn cùng ngành, cùng lĩnh vực, cùng tính chất, đặc điểm kinh tế, từ đó dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin và xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực cụ thể. Danh mục hoạt động NOE giúp hệ thống hóa, tổng thể hóa các hoạt động phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong khi đó, xây dựng và ban hành Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát cũng có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt giúp cơ quan Thống kê hoàn thiện các bộ chỉ tiêu thống kê đo lường đầy đủ các hoạt động kinh tế được quan sát và chưa được quan sát. Đối với cơ quan quản lý, bộ chỉ tiêu được các cơ quan quản lý sử dụng một cách có hệ thống và đảm bảo được theo chuỗi thời gian, từ đó, giúp việc quản lý các hoạt động này dễ dàng hơn, từ đó đưa ra các chính sách theo hướng khuyến khích các hoạt động phi chính thức trở thành chính thức, đồng thời thu hẹp quy mô và ảnh hưởng của hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp. Nguyên tắc xây dựng Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát được xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc sau: - Tính đầy đủ: Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào đo lường hoạt động NOE phải được rà soát từ thực tiễn và phản ánh đầy đủ các hoạt động diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam. - Tính duy nhất: Hoạt động kinh tế chưa được quan sát được rà soát và phân chia vào thành tố nào sẽ không được xuất hiện ở các thành tố khác. - Tính nhất quán: Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu NOE được phân chia theo 5 thành tố, trong từng thành tố sẽ tiếp tục phân chia các hoạt động theo ngành kinh tế cấp 2. - Tính kịp thời: Danh mục và hệ thống chỉ tiêu NOE phải được rà soát, bổ sung và cập nhật nhằm đảm bảo phản ánh sát thực sự xuất hiện của các hoạt động mới, đồng thời loại bỏ những hoạt động đã được quan sát hoặc các hoạt động không còn tồn tại trong nền kinh tế. Các bước xây dựng Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu NOE Danh mục hoạt động và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường NOE được xây dựng dựa nền tảng phương pháp luận và hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như: Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc ở Châu Âu (UNECE); Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD; Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các tiêu chí sắp xếp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát: - Hoạt động kinh tế ngầm: Là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, trách nhiệm xã hội và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép, bị xử phạt vi phạm hành chính. - Hoạt động kinh tế bất hợp pháp: Là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép, bị truy tố và xử lý hình sự. - Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát: Là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh. Khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. - Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình: Là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó. - Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê: Là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập các thông tin đó. Kết hợp nghiên cứu tài liệu chuẩn mực quốc tế, rà soát tình hình thực tiễn nền kinh tế của Việt Nam và các tiêu chí sắp xếp hoạt động nêu trên, quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu này bao gồm các bước sau: - Bước 1: Nghiên cứu định nghĩa, cơ sở lý luận của khu vực NOE, xác định khái niệm, phạm vi của các thành tố trong khu vực NOE; - Bước 2: Xác định các hoạt động chưa được quan sát trong nền kinh tế và sắp xếp theo 5 thành tố theo tiêu chí phân loại của từng thành tố. - Bước 3: Xây dựng hệ thống chỉ tiêu của khu vực NOE từ các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo hướng lượng hóa các hoạt động (số lượng, số vụ, giá trị). - Bước 4: Xin ý kiến góp ý của các đơn vị của Tổng cục Thống kê và của các Bộ ngành về nội dung của Danh mục hoạt động và tính khả thi khi triển khai thu thập thông tin theo từng chỉ tiêu của Hệ thống nguồn thông tin đầu vào. - Bước 5: Hoàn thiện Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE. Nội dung Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu NOE Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước để thu thập thông tin thống kê, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác. Danh mục và hệ thống chỉ tiêu NOE giải thích rõ những hoạt động kinh tế chưa được quan sát gồm các yếu tố được xếp vào từng thành tố, từng bộ phận, trong đó: - Bao gồm: Những hoạt động kinh tế chưa được quan sát xác định trong từng ngành kinh tế; - Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xem là thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát. (i) Danh mục hoạt động Danh mục hoạt động bao gồm các hoạt động kinh tế cụ thể trong nền kinh tế được phân chia theo 5 thành tố chính: (1) hoạt động kinh tế ngầm; (2) hoạt động kinh tế bất hợp pháp; (3) hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; (4) hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình và (5) hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Trong từng thành tố, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát tiếp tục được phân chia theo ngành kinh tế cấp 2 đảm bảo đủ phản ánh mức độ chi tiết của hoạt động NOE. (ii) Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát được ban hành sẽ bao gồm: tên chỉ tiêu, các phân tổ chủ yếu, kỳ hạn báo cáo, kỳ công bố thông tin và phân công thực hiện, trong đó: - Tên chỉ tiêu phản ánh các hoạt động trong Danh mục chỉ tiêu và chủ yếu là các chỉ tiêu định lượng nhằm đo lường các hoạt động NOE. - Phân tổ chủ yếu của Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào được phân chia dựa theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực cụ thể; theo các thành tố tạo thành hoạt động kinh tế; theo loại sản phẩm, loại sắc thuế; theo phạm vi thu thập số liệu; theo vụ việc, mức độ xử phạt các vi phạm của hoạt động kinh tế chưa được quan sát; tính khả thi thu thập số liệu… - Kỳ số liệu là thời kỳ quy định cơ quan được phân công thu thập thông tin thu thập, tính toán biên soạn và công bố thông tin tới người dùng tin. - Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập tổng hợp là cơ quan được phân công chủ trì thu thập thông tin, tính toán, biên soạn số liệu theo quy trình biên soạn số liệ thống kê. Thông thường, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ là cơ quan có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực phù hợp, bao quát được thông tin thống kê theo nhiều phân tổ số liệu nhất. - Cơ quan phối hợp là cơ quan được phân công phối hợp với cơ quan chịu trách nhiệm thu thập tổng hợp cung cấp một phần số liệu thống kê theo một số phân tổ do cơ quan chịu trách nhiệm phân công. Kế hoạch ban hành và lộ trình thu thập thông tin Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật thống kê quy định: "Hệ thống chỉ tiêu thống kê là tập hợp những chỉ tiêu thống kê do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành". Danh mục và Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát được ban hành là một sản phẩm của Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện dự thảo danh mục và hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin, trong đó lộ trình thu thập thông tin được xác định theo 2 giai đoạn: - Giai đoạn 1: Ban hành danh mục và hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin và thu thập, biên soạn các chỉ tiêu khả thi trong năm 2022. - Giai đoạn 2: Rà soát, cập nhật, bổ sung các hoạt động mới vào Danh mục và hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin; đồng thời xây dựng nguồn thông tin và thu thập, tính toán, biên soạn các chỉ tiêu còn lại từ năm 2023 trở đi./.
Nghiêm Thị Vân
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia -TCTK
Nguồn: consosukien.vn
Với bề dày lịch sử hơn 75 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn tìm kiếm thông tin thống kê phù hợp trong cơ sở dữ liệu thống kê chính thống của ngành Thống kê. Đến với chúng tôi bạn sẽ:
- Tiếp cận thông tin thống kê của hai miền Nam Bắc trước và sau năm 1975.
- Tiếp cận hệ thống chỉ tiêu thống kê phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
- Tiếp cận nguồn thông tin quý báu từ kết quả các cuộc Tổng điều tra, Điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện.
- Và nhiều thông tin thống kê cần thiết khác.
Hãy liên hệ với chúng tôi:
Điện thoại: + Tư vấn & Dịch vụ thống kê (024.37332997)
+ Thư viện Thống kê (024.38464349)
Email: sdc@gso.gov.vn